Trang chủ / Tin tức / Tại sao các cụ vẫn thường nói: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”?

Tại sao các cụ vẫn thường nói: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”?

“Thứ nhất là tu tại gia,

Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”

Có nghĩa là gì???

“Tu” – tức là sửa mình, là rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách sao cho tốt, cho đẹp, cho hay. Nói cách khác, “tu” là tự điều chỉnh những suy nghĩ và hành vi của mình, để cho mình trở thành người lương thiện, tử tế, tiếp cận và làm theo những điều Chân-Thiện-Mỹ!

“Thứ nhất là tu tại gia” có nghĩa là “tu” ở chính ngay trong gia đình của mình – đó là điều trước tiên, thường xuyên và cũng là điều đúng đắn nhất. “Tu tại gia” là ngay từ trong mỗi gia đình, mỗi người tự giáo dục mình, tự rèn luyện và giáo dục lẫn nhau, tiếp thụ sự dạy dỗ chu đáo, tốt đẹp của ông bà, cha mẹ, để trở nên người có ích cho gia đình và người công dân tốt ngoài xã hội. Phật giáo chú trọng việc “tu nhân, tích đức” để làm những điều từ bi bác ái.

Không ít người quan niệm rằng: “tu tại gia” là xây điện thờ cúng, lập bàn thờ, đặt tượng Phật và bát hương trong nhà mình; rồi sớm tối, hoặc ngày Tết, ngày mồng một, ngày rằm thì sắm đồ cúng lễ cho thịnh soạn, thắp hương tụng niệm cầu Trời khấn Phật cho bản thân và gia đình mình được bình an phú quý, tấn tài tấn lộc, thăng quan tiến chức, vạn sự như ý. Nếu chỉ hiểu như vậy thì thật là hạn hẹp, không đúng với ý tưởng nhân đạo và nhân văn cao cả của các bậc cha ông. Có nhiều người “tu” theo kiểu ấy; nhưng đáng buồn thay, bản thân họ sống không theo luân thường đạo lý, ai nấy không chú ý sửa mình theo những điều hay lẽ phải, như vậy thì đâu phải là “tu”  …

Cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu chức, cầu danh,… thật ra là những lẽ thường tình, đáng cảm thông, trân trọng. Nhưng, cùng với những điều cầu xin lợi lộc cho bản thân và cho gia đình mình, thì chớ làm những điều thất đức, bất nhân với người khác. Đấy là điều tối kỵ của người “chân tu”!

Sau “tu tại gia”, mới đến “tu chợ”. “Tu chợ” là không thất tín trong sản xuất, buôn bán, kinh doanh; không lừa gạt, điêu toa. Trong môi trường “chợ búa” như thế mà ta vẫn giữ được cái “tâm”, ấy mới gọi là “tu”.

“Tu chùa” là cần thành tâm đối với chư Phật, không cần sắm lễ lạt cho to mà giả tạo, đồng thời phải làm sao để những lời cầu khấn trong chốn chùa chiền biến thành những ứng xử, hành vi lương thiện của mình đối với xã hội.

Nói tóm lại rằng, người có tâm thì tu đâu cũng được. Khi đã sống chân thực, thẳng thắn rồi thì khi ấy tu “tại gia, tại chợ, tại chùa” hay ở đâu đi nữa thì trong tâm ta cũng đã có Phật.

Tag: Đại lễ vu lan ,
Đăng ký tư vấn